Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Cảnh giác - đề nghị share rộng rãi: Lật tẩy các chiêu trò lừa đảo của Công ty CP Đông Nam dược Việt Nam

Biến các sinh viên trở thành dược sĩ chỉ trong một buổi sáng, mượn tiếng nhà nước làm vỏ bọc cho mình, Công ty cổ phần Đông nam dược Việt Nam đang sử dụng các chiêu trò "bẩn" để lừa đảo bệnh nhân.
“Hô biến” sinh viên thành trình dược viên
Công ty Cổ phần Đông Nam dược Việt Nam (hay còn được quảng cáo là Công ty Cổ phần Amua Việt Nam) có địa chỉ tại số 7, ngõ 71 đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội thời gian gần đây đang tuyển nhân sự một cách khá rầm rộ. Bằng việc sử dụng những lời lẽ mang tính “hô khẩu hiệu” như “Mở rộng quy mô công ty hay là những người đi đầu. Hãy nắm bắt thật tốt để trở thành SUPER SALES”, Công ty này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều các sinh viên có nhu cầu tìm việc làm. Tuy nhiên, đáng chú ý là sản phẩm của Công ty Cổ phần Đông Nam dược Việt Nam đang bán hàng ngày là các loại thuốc đông y chữa xoang, khớp hay dạ dày.
Những lời mời chào "có cánh" để thu hút nhân lực của Công ty cổ phần Đông nam dược Việt Nam
Trong vai một sinh viên có nhu cầu xin việc làm, phóng viên (PV) đã để lại thông tin trên địa chỉ email mà Công ty Cổ phần Đông Nam dược Việt Nam hướng dẫn. Sau vài ngày, một người đàn ông đã liên hệ lại với PV để hẹn phỏng vấn vào 9h sáng ngày 15/10/2016 tại địa chỉ số nhà 2, ngách 2/17 ngõ 162, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây thực sự là một điều khó hiểu bởi địa chỉ trên quảng cáo của công ty lại là ở số 7, ngõ 71 đường Hoàng Văn Thái.
Y hẹn, PV đã tìm đến địa chỉ trên để tham gia cuộc phỏng vấn. Theo ghi nhận của PV, mặc dù được quảng cáo như một công ty song thực chất, văn phòng làm việc của công ty này chỉ là một căn nhà 4 tầng thuê của người dân và không có biển hiệu. Nhân sự ở đây có khoảng hơn 20 người.
Trong lúc chờ đợi, theo quan sát của PV, có vài sinh viên có thể đang học việc được một nam thanh niên chừng 24- 25 tuổi hướng dẫn làm việc. Người này gửi cho các “nhân viên mới” một văn bản hướng dẫn về triệu chứng, biến chứng và quy trình chào mời khách hàng. Theo đó, chỉ cần nhớ được các ý chính trong văn bản thì các “nhân viên mới” đã có thể rũ bỏ mác sinh viên để khoác lên mình danh xưng “dược sĩ” rồi bán thuốc cho các bệnh nhân.
Theo tìm hiểu, thông thường quy trình “hô biến” sinh viên thành dược sĩ ở Công ty Cổ phần Đông Nam dược Việt Nam chỉ mất khoảng… một buổi sáng. Khi được một sinh viên hỏi rằng: “Tại sao có những người cùng bị bệnh 1 năm mà có lúc lại kê cho 1 lọ thuốc, lúc lại 3 lọ?” thì người đàn ông hướng dẫn họ trả lời rằng: “Thực ra thì tùy thôi, khách nhiều tiền mình kê cho nhiều, khách ít tiền mình kê ít”. Chỉ qua câu trả lời của người này cũng có thể thấy rằng, lợi nhuận mới là quan trọng đối với Công ty này chứ không phải sức khỏe của bệnh nhân (!?).
Văn phòng làm việc của công ty thực chất là một nhà dân được thuê lại và không có biển hiệu.
Không lâu sau, một người tên Trịnh Tuấn Anh tiến hành phỏng vấn tôi. Gọi là phỏng vấn nhưng thực chất chỉ là một phần giới thiệu về công việc mà mỗi nhân viên sẽ phải làm nếu được chọn vào Công ty.
“Ở đây, nhân viên sẽ phải tư vấn và bán hàng cho khách, cụ thể là thuốc viêm xoang. Vậy nên đòi hỏi nhân viên phải có chất giọng tốt và không nói ngọng, kỹ năng tư vấn như thế nào thì sẽ được đào tạo. Mỗi ngày nhân viên phải gọi cho khoảng 30- 40 khách hàng”, người này nói.
Khi PV hỏi rằng: “Em tưởng nếu bán thuốc thì phải có bằng dược sĩ nhưng em không có bằng thì có bán được không?”, người này giải thích: “Ở đây mọi người đều không có bằng cấp gì về y dược, hầu hết là học các ngành khác chứ bây giờ tuyển người có bằng cấp dược sĩ thì làm sao mà tuyển được”.
Chưa bàn đến việc chất lượng thuốc của Công ty này thế nào, chỉ riêng việc các nhân viên ở đây không có bằng dược sĩ nhưng hàng ngày lại đang gắn lên mình cái mác của những trình dược viên để bắt bệnh, kê đơn cho hàng ngàn bệnh nhân thì đó đã là một sai phạm nghiêm trọng, đặt lợi nhuận lên trên hết và coi thường sức khỏe của người khác.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tạo vỏ bọc cho Công ty dưới danh nghĩa cơ quan nhà nước
Công ty Cổ phần Đông nam dược Việt Nam thậm chí còn quảng cáo thuốc của mình là do “Viện Hàn lâm Trung ương sản xuất”. Thoạt nghe qua, cái tên Viện Hàn lâm Trung ương có vẻ rất đáng tin cậy. Và quả thực, chính điều này cộng thêm mức lương hấp dẫn từ 7- 12 triệu mỗi tháng đã đánh trúng vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của các sinh viên, thu hút khá nhiều nhân lực làm việc cho Công ty. Tuy nhiên trên thực tế, Viện này không hề tồn tại. Như vậy có thể khẳng định đây là một chiêu trò mượn danh nghĩa nhà nước để tạo vỏ bọc cho mình của những đối tượng đang hoạt động tại Công ty Cổ phần Đông nam dược Việt Nam.

Xem thêm tại: https://www.facebook.com/tuyendungvieclammoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét